Bé gái 9 tuổi độc tấu đàn bầu cực đỉnh tại diễn châu

15:54 |

Mới lên 5 tuổi bé Hoàng Anh đã biết đánh đàn bầu, với tiếng đàn làm xiêu lòng người cô bé đã giành được rất nhiều giải thưởng trong các cuộc thi của tỉnh. Em trở thành “nghệ nhân” nhỏ tuổi nhất sử dụng điêu luyện nhạc cụ dân tộc.


Mối duyên tiền định với cây đàn bầu
Nổi lên như một “thần đồng âm nhạc” từ khi mới mới 5 tuổi, cùng với đó là việc Hoàng Anh đã gặt hái được rất nhiều giải thưởng mà tỉnh Nghệ An tổ chức. Bởi vậy khi chúng tôi hỏi nhà Hoàng Anh hầu như tất cả những người dân tại đây không ai là không biết đến.
Một bác nông dân vui vẻ: “Các anh hỏi nhà bé Hoàng Anh con anh Qúy chị Huyền phải không. Con bé đánh đàn bầu hay lắm. Mỗi lúc nghe nó gẩy đàn là tôi lại như muốn rơi nước mắt”, nói đoạn bác nông dân bỏ dở công việc của mình rồi nhiệt tình đưa chúng tôi đến tận nhà bé Hoàng Anh cũng là để thêm một lần được nghe tiếng đàn bầu của “Nghệ nhân” cho đỡ “nghiền”.

Ông nội Hoàng Anh bày cách cho cháu đánh đàn.
Bé Ngô Hoàng Anh con gái đầu của vợ chồng anh Ngô Đình Qúy (SN 1965) và chị Chu Thị Huyền (SN 1983). Từ lúc còn rất nhỏ mỗi lần Hoàng Anh quấy khóc dỗ thế nào cũng không nín nhưng lạ thay khi nghe ông nội mình là Ngô Khắc Duy chơi đàn là cô bé nín hẳn.
Thấy đứa cháu còn chưa biết đi đã ham mê tiếng đàn bầu người ông lại càng thường xuyên “biểu diễn” cho vị "khán giả đặc" biệt này thưởng thức. Có lẽ cũng từ đó mà tiếng đàn bầu đã thấm dần vào từng hơi thở sự sống, tâm hồn của đứa trẻ thơ dại.
“Một lần khi bố mẹ nó đi vắng tôi với bà ở nhà trông cháu thì nó khóc ngằn ngặt giỗ thế nào cũng không chị nín. Sẵn có cây đàn để bên cạnh tôi lôi ra đánh một bản thì lạ thay nó lại nín ngay. Tôi nghĩ chắc con bé “đòi” được nghe tôi đàn nên mới quấy khóc như vậy thế là tôi ngồi đàn liên tiếp mấy bài nó nằm im mà không khóc nữa.
Vậy là từ đó mỗi lần con bé khóc mà không phải vì ốm hay đói thì tôi biết đích thị “ả ta” muốn nghe tiếng đàn bầu của tôi. Tôi nghĩ cháu nó có cái duyên với cây đàn bầu nhưng cũng có thể là vì tôi thường hay đàn nên nó nghe trở thành một thói quen”, cụ Duy nhớ lại.
Lên 5 tuổi, được sự hướng dẫn của ông nội bé Hoàng Anh đã có thể sử dụng được đàn bầu. Em đã đánh được một số bài theo đúng giai điệu và “độc tấu” một mình. Việc sử dụng được đàn bầu một nhạc cụ rất khó là vô cùng khó khăn ngay cả đối với người trưởng thành. Vậy mà cô bé 5 tuổi đã có thể một mình độc tấu hẳn một bài dài mà dường như chẳng sai một phím nào.

Bé Hoàng Anh biểu diễn độc tấu đàn bầu.
6 tuổi đã thành nghệ nhân
Năm 2011, khi mới 6 tuổi, em cùng Câu lạc bộ xã dân ca xã Diễn Hoa (Diễn Châu) tham gia: Liên hoan câu lạc bộ dân ca xứ Nghệ tỉnh Nghệ An lần thứ I - năm 2011, do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nghệ An tổ chức.
Bằng tiếng đàn bầu điêu luyện của mình Hoàng Anh đã chinh phục được ban giám khảo gồm nhiều Nghệ sĩ ưu tú để giành giải: “Nghệ nhân nhỏ tuổi sử dụng nhạc cụ hay nhất”.

Giấy chứng nhận nghệ nhân nhỏ tuổi sử dụng nhạc cụ hay nhất.
“Cháu rất thích đánh đàn bầu, nhưng cũng cố gắng học tập thật giỏi. Ông cháu luôn dặn rằng thích đánh đàn cũng tốt nhưng phải học giỏi nữa mới ngoan. Chỉ khi nào làm xong hết các bài tập thì cháu mới luyện đàn.
Mỗi lần ông dạy cháu bài mới là cháu luôn muốn cố gắng học thật nhanh để có thể được biểu diễn cho mọi người nghe. Cháu có thể đánh được các bài như: Giận mà thương, Về miền nam, Mẹ yêu con, Lên ngàn, Người ở đừng về, Lý chiều chiều, Ru con …”, nghệ nhân nhí vui vẻ chia chẻ.
Nghe Hoàng Anh buông từng phím đàn trầm bổng, không ai nghĩ đó là tiếng đàn của một cô bé 9 tuổi. Cũng từ khi nhận được các giải thưởng trong nhiều cuộc thi như: Liên hoan tiếng hát Làng Sen, Liên hoan Dân ca xứ Nghệ … Hoàng Anh được người dân ở đây gọi là nghệ nhân.
Chia sẻ về con gái yêu của mình anh Ngô Đình Qúy vui vẻ: “Gia đình tôi luôn muốn để cháu tự do phát triển. Cháu yêu tiếng đàn bầu cũng là một điều tốt nhưng song hành với đó cháu luôn đạt thành tích cao trong học tập khiến bố mẹ rất yên tâm. Hi vọng trong thời gian tới cháu sẽ còn giành được nhiều thành tích cao hơn nữa cả trong học tập và nghệ thuật”.

Ký sự làng "NHO LÂM"

14:55 |
Nho Lâm than quánh nặng nề
Sức em đương được thì về Nho Lâm

Câu ca dao trên đã nói lên sự lao động cực nhọc của người Nho Lâm. Theo “Nho Lâm phong thổ ký” từ khi sinh ra làng Nho Lâm đã có nghề luyện quặng sắt mà bà con gọi là quánh. Ngày xưa những người luyện quánh phải tổ chức thành phường, gọi là phương Quánh hay là phường
Phường thờ ông Cao Lỗ, người đã truyền cho họ nghề này, Việc đầu tiên là phải lấy gánh. từ làng vào mỏ quánh ở động Ngút, đồng Hồi thuộc núi Thiết Sơn, đường đi gần hai chục cây số, đèo cao đường ốc, đi lại vất vả, nên khó đào, phải dùng cuốc chim, xà beng, ra sức mà đào mới có thể moi lên được. Moi quánh lên rồi, còn phải sàng cho sạch, mới đổ vào bao tải, rồi chiều tối, kẻ gánh bộ (đàn bà), ke đẩy xa cút kít (đàn ông) cũng có người dùng thuyền, dọc theo kênh Sắt, chở về nhà. người đi quánh tự coi mình như ông Tướng xung trận. bởi công việc họ làm cũng khẩn trương, gian lao như ông tướng khi ra sa trường, nên bài “Đường luyện đi quánh” do họ đặt ra có những câu:
Tướng ba chiều, tướng lên đồng Ngút
Chọn cho rành cho tốt tướng ơi !!!
Tướng đùng ngấp ngó động Hồi
Lấy chi mà trả tiền bồi quánh than
(1) Lò Hồng: tên gọi của nơi cấu quặng sắt và cũng để gọi chính cái lò đúc hay nồi hông, công cụ chính để luyện sắt, giống như cái lò cao bây giờ. nồi hông hình chậu, miệng hơi loe, đáy thon hơi lõm xuống đất hình lòng chảo, đường kính miệng lò khoảng 1m, chiều cao khoảng 70 – 80cm, nồi hông đặt trong lò hông, trong lò hôn dày khoảng 20cm.
Động Ngút là nơi có quánh tốt. quánh Hồi lấy ở Động Hồi không tốt bằng, luyện được ít sắt.
Những người đi lấy quánh đã cự nhọc như vậy, những người đi lấy than cũng lam lũ không kém. Bởi than luyện sắt phải làn than gỗ chắc như lim, sến, táu, vvv...Nên những người đi làm than để luyện sắt phải lặn lội hàng chục đường đi, luồn lách hết rừng này núi nọ, có khi hàng tuần, mới ki ếm được một xe than, thật là vất vả.
Than, quánh có rồi, lại đến những người thợ lò trực tiếp nấu ra sắt. Thọ lò hông không những phải cố sức khoẻ mà còn phải có kỹ thuật tốt nữa. So với sức lửa của lò rèn, sức lửa của lò hông nóng nhiều hơn. Lò hông không để không để mỗi cái một nơi mà tập trung từng khu, hai ba chục cái thành một dãy dài. Khi quặng và than bỏ vào lò hông rồi, người thụt bẽ phải ra sức kéo bễ để đưa gió vào lò. Sau một thời gian nhất định, quặng đã tan hết, xỉ ngừng chảy, sắt đã hoàn nguyên trong lò , tích tụ thành khối gọi là hòn chai hay hòn gói, Châu âu gọi là sắt xốp . Muốn làm sạch xỉ và biến nó thành sắt đặc hơn, sắt mới lấy ở lò ra đang còn rực đỏ người ta phải rèn đập thực lực. Kíp thợ phụ này thường là những người rất khoẻ, mùa đông cũng như mùa hè thường chỉ đóng khố, thân hình bóng nhẫy như đồng hun, bắp chân bắp tay chắc nịch. Bà con Nho Lâm gòi là:” Dạ luyện cục tượng” Mỗi nhát mà hàng trăm, không chỉ một lò mà cả chục, cả trăn lò hông: huyên náo, ầm ĩ làm việc. Để tránh tàn lửa bắn vào người, cháy da cháy thịt, người thợ lò hông thường đội nón nan chop nhỏ, đi dép quai bằng da bò mộc.
khi nghề luyện sắt thành thịnh, cả xã Nho Lâm có trên 400 lò hông. Mỗi lò hông chừng 10 người gồm: một thợ cả, một thợ phó, còn nữa là thợ phụ, rèn đập sắt chai, tiếp than, tiếp quặng và cả các việc khác. Như vậy cả xã có khoảng trên 400 “ dạ luyện cục tượng”.
Cần nói thêm rằng phương pháp Ca-ta-lan, xuất xứ vùng Carlogurecủa Tây Ban Nha . Các súng thần công mà ta còn thấy ở các tỉnh, thành phủ ở Nghệ Tĩnh được đúc từ thừi Gia Long, Minh Mạng và các thế kỷ trước cũng do bàn tay khéo léo và cần cù của người thợ lò hông Nho Lâm. Đầu thế kỷ XX, sắt được nhập cảng từ Pháp vào nhiều mà các loại gỗ chắc của các cánh rừng lân cận bị chặt gần hết để làm than, nghề nấu sắt ở Nho Lâm bị bỏ rơi. những người thợ lò hông, một số bắt buộc phải xoay sang làm ruộng, một số làm thợ rèn....

Án xưa:Chuyện tình Mị Châu - Trọng Thủy, Bi kịch tình yêu hay là một âm mưu cướp nước?

21:24 |


"Tôi kể ngày xưa chuyện Mị Châu
Trái tim nhầm chỗ để trên đầu
Nỏ thần vô ý trao tay giặc
Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu".
(Tố Hữu - Tâm sự)
An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy là truyền thuyết đẹp của người xưa với chủ đề dựng nước và giữ nước, để lại cho đời sau bài học cảnh giác chính trị sâu sắc và thấm thía. Nhưng có phải câu chuyện chỉ chứa đựng một tấn bi kịch là mất nước hay không?
Thời vua An Dương Vương, dân chúng xây thành Cổ Loa ngăn chặn giặc phương Bắc. Xây mãi không xong, nhà vua bèn lập đàn cầu tế. Trong lúc đó, một vị thần hiện ra dưới bóng con rùa vàng - gọi là thần Kim Quy - và dạy nhà vua cách xây thành. Thành xây xong, thần Kim Quy còn tặng nhà vua chiếc nỏ thần để bắn địch.
Giặc phương Bắc lại ùn ùn kéo quân xâm chiếm nước ta, nhưng lần nào cũng rước lấy thảm bại. Tướng giặc là Triệu Đà vô cùng tức giận. Hắn bèn nghĩ ra một kế: Xin giao hòa với nước ta rồi sai con trai là Trọng Thủy sang cầu hôn với con gái vua An Dương Vương tên là Mị Châu. Thâm ý của Triệu Đà là sẽ dùng con trai mình làm mật thám trong việc đánh chiếm nước ta.
Ngay tình, vua An Dương Vương chấp thuận điều nghị hòa và bằng lòng nhận lời cầu hôn của Trọng Thủy.
Trong lúc hàn huyên, Triệu Đà cố tình dò hỏi, Mị Châu kể lại cho chồng nghe chuyện xây thành Cổ -Loa và chiếc nỏ thần. Một hôm, nhân lúc Mị Châu sơ ý, Trọng Thủy lấy trộm chiếc nỏ thần và thay một chiếc giả vào đó, rồi xin phép vua An Dương Vương về thăm cha mẹ.
Lúc ra đi, Trọng Thủy căn dặn vợ:
- Trong lúc ta vắng nhà, nếu có chiến tranh nàng hãy mặc áo lông ngỗng vào. Khi chạy giặc, nàng đừng quên rắc lông ngỗng xuống đường. Ta sẽ theo vết lông ngỗng đi tìm nàng.
Về tới nhà, Trọng Thủy liền giao chiếc nỏ thần cho cha. Nắm được chiếc nỏ thần trong tay, Triệu Đà lập tức kéo quân sang đánh nước ta. Thấy giặc kéo đến, An Dương Vương không tỏ vẻ sợ hãi, bình tĩnh lấy nỏ thần ra bắn. Nhưng lạ thay, đoàn giặc vẫn ào ào xông tới trước các mũi tên bắn ra. Nỏ thần đã trở thành vô hiệu. Hoảng sợ, nhà vua bèn ôm Mị Châu lên sau yên ngựa chạy trốn về hướng Nam. Mị Châu ngồi sau yên ngựa, rứt lông ngỗng rắc xuống đường. Nhà vua chạy đến đâu, giặc theo vết lông ngỗng rượt theo đến đó.
Đến núi Mộ Dạ cụt đường, nhà vua định tự tử thì thần Kim Quy hiện lên bảo:
- Tâu bệ hạ, giặc ngồi ngay sau lưng nhà vua đấy!
An Dương Vương quay lại, thấy Mị Châu, hiểu ra sự việc, bèn tức giận rút gươm chém chết con gái. Sau đó, nhà vua phi ngựa nhảy xuống biển tự tử.

Theo dấu lông ngỗng, Trọng Thủy tới được chân núi Mộ Dạ thì thấy Mị Châu chỉ còn là một xác không hồn.
Quá hối hận về việc mình đã làm, Trọng Thủy ôm xác vợ khóc nức nở, rồi gieo mình xuống một giếng gần đó.
Hiện nay gần thành Cổ Loa, giếng đó vẫn còn. Khách bộ hành đi qua dừng chân nhìn xuống đáy giếng nước trong veo, không khỏi bùi ngùi nhớ lại câu chuyện thương tâm của cặp vợ chồng Mị Châu - Trọng Thủy.
Đằng sau câu chuyện tình yêu của Mị Châu - Trọng Thủy là cả một âm mưu về chính trị thâm hiểm của Triệu Đà và không ai khác kẻ trực tiếp thực hiện âm mưu đó lại chính là Trọng Thủy. Ngay từ khi bước chân vào Loa Thành y đã lộ nguyên hình là tên nội gián thâm độc, y luôn đặt nhiệm vụ gián điệp lên hàng đầu. Bỉ ổi hơn, y lợi dụng luôn cả người vợ ngây thơ để thực hiện gian kế. Xét về bản chất Trọng Thủy là một kẻ tham lam và gian trá. Chính điều đó giúp y hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, y đã làm tròn cả chữ trung lẫn chữ hiếu.
Truyện An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy muôn đời vẫn còn giá trị từ ý nghĩa nhân văn, từ bài học cảnh giác đến lời nhắc nhở về cách giải quyết cái chung và cái riêng, việc nước và việc nhà. Truyền thuyết ấy như ta vẫn biết chứa đựng bài học mất nước sâu sắc và không ai có thể phủ nhận, nhưng chỉ nhắc đến bi kịch mất nước thôi là chưa đủ mà còn ẩn sâu bi kịch tình yêu còn nhiều tranh cãi...
Luật nay: Trọng Thủy đã phạm tội gián điệp
Tuy đây chỉ là một truyền thuyết nhưng là một bài học cảnh giác cho con cháu đời sau trong quá trình xây dựng đất nước. Câu chuyện đó cũng có thể phán quyết bằng những quy định của pháp luật ngày nay. Từ nội dung câu chuyện trên đây, chiếu theo những quy định của pháp luật ngày nay ta có thể định tội danh cho từng người.
Trọng Thủy sẽ bị truy tố về Tội gián điệp theo khoản 1 Điều 80 Bộ luật Hình sự. Khoản 1 điều này quy định: Người nào có một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Hoạt động tình báo, phá hoại hoặc gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại chống nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; b) Gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại theo sự chỉ đạo của nước ngoài; hoạt động thám báo, chỉ điểm, chứa chấp, dẫn đường hoặc thực hiện hành vi khác giúp người nước ngoài hoạt động tình báo, phá hoại; c) Cung cấp hoặc thu thập nhằm cung cấp bí mật Nhà nước cho nước ngoài; thu thập, cung cấp tin tức, tài liệu khác nhằm mục đích để nước ngoài sử dụng chống nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trọng Thủy có thể sẽ phải chịu mức án cao nhất là 7 năm tù giam.
Theo luật ngày nay, nàng Mị Châu cũng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vô ý làm lộ bí mật Nhà nước theo Điều 264 BLHS. 1. Người nào vô ý làm lộ bí mật nhà nước hoặc làm mất tài liệu bí mật nhà nước, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. Vì sự ngây thơ của nàng mà mất nước, do vậy nàng sẽ bị truy tố theo khoản 2 và hình phạt cao nhất có thể lên tới 7 năm tù.
Nguyễn Vy

Món ngon diễn châu

02:12 |

Ốc xào, đặc sản của Diễn Châu


Đến Nghệ An mà chưa thưởng thức món ốc xào Diễn Châu thì quả là một điều thiếu sót. Hương thơm ngào ngạt của đĩa ốc xào, vị béo bùi của ốc với chút cay cay của ớt sẽ khiến ai từng thưởng thức món ăn này không thể quên được.
Cũng là một món ăn dân dã và quen thuộc, nhưng dường như thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất Diễn Châu, Nghệ An điều kiện thuận lợi để những con ốc nơi đây luôn béo trèo, ngọt lịm.
Những con ốc này được bắt lên từ ao, đìa hoặc ruộng ngâm cho nhả hết cặn rồi rửa sạch, đập đít và xào với sả băm nhỏ, một ít muối, một ít ruốc (mắm tôm), một ít ớt cay và đường hoặc mật. Chỉ vậy thôi, nhưng món ăn khiến nhiều người phải trầm trồ khen ngợi. 
Đặc biệt, giữa mùa đông lạnh giá mà được đĩa ốc xào nóng hổi thì thật tuyệt. Còn với những quý ông, đây là một món nhậu lý tưởng nhâm nhi với chén rượu quốc lủi sẽ làm cho những dịp liên hoan, gặp mặt trơ nên đạm đà và đầy quyến luyến.


“Bánh mướt” Có lẽ ít người biết tới, bởi đây là món ăn đặc trưng của miền Bắc Trung Bộ : Nghệ An – Hà Tĩnh.
Bánh mướt thoạt nhìn trông giống bánh cuốn của miền Bắc, bánh ướt ở miền Nam, nhưng khi ăn thử lại thấy hương vị riêng biệt, không lẫn vào đâu được.

Bánh mướt được làm từ gạo tẻ, gạo ở đây phải đựơc ngâm trong nước sạch nhiều giờ, cho từng hạt gạo ngấm nước, nở đều và mềm rồi mới mang đi nghiền thành bột. Ngày trước bột thường được xay trong những cối đá, phải xay đi xay lại nhiều lần bột mới nhuyễn. Ngày nay hiện đại hơn, người ta nghiền bột bằng máy, vừa ít tốn thời gian mà bột cũng nhanh nhuyễn hơn.
Bột nghiền xong cũng chưa thể tráng ngay thành bánh được, phải để bột lặng trong nước khoảng từ 2 giờ trở lên, người ta gọi đó là ủ bột. Ủ bột để  khi tráng,  bánh mới nở phồng, ăn mới dẻo dai.

Ở vùng Nghệ An – Hà Tĩnh, bánh mướt là món ăn được nhiều người yêu thích. Bánh mướt dễ ăn, chỉ cần ăn kèm một chén nước mắm vắt chanh với ớt tươi xắt lát cũng đã thấy ngon miệng.


Cháo lươn 
Bất kỳ du khách nào ghé thăm diễn châu đều muốn dừng chân thưởng thức cháo lươn - món ngon Nghệ An. Với hương vị hết sức đặc trưng không nơi nào có được, cháo lươn trở thành một thương hiệu của Nghệ An.Thịt lươn xào với nghệ, ớt, hành tăm.
Xương sống lươn giã giập lọc lấy nước ninh cháo. Cháo lươn nóng ăn kèm với rau ngổ mới cảm nhận được hết hương vị thơm ngon, cay nồng hấp dẫn.


Bánh đa xúc hến
Bánh đa xúc hến là món nhậu quen thuộc những dịp bạn bè gặp nhau của người dân xứ Nghệ. Hến ăn kèm phải là những con hến được đãi từ sông bùng béo và sạch rồi xào cùng mỡ.

Những miếng bánh đa diễn châu giòn tan lúc này sẽ biến thành những chiếc thìa cho ta nhẩn nha xúc những con hến ngon lành và cảm nhận hương vị ngọt, thơm, cay, bùi, béo đầy quyến rũ. Món bánh đa xúc hến không thể thiếu được một số gia vị như ớt, rau sống và lạc giã dập.


Diễn châu.trung sĩ trẻ hi sinh giữa thời bình

03:18 |
Trung sĩ Trương Văn Tú, quê ở xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu đã hi sinh khi đang cùng đồng đội đi làm nhiệm vụ xây dựng đường vành đai biên giới ở tỉnh Quảng Nam. Người chiến sĩ tuổi 20 hi sinh khi những ước mơ đang còn dang dở...

Chiều 16/12, trong lúc đi làm nhiệm vụ xây dựng đường vành đai biên giới Việt – Lào, chiếc xe chở 9 quân nhân của Lữ đoàn 83, vùng 3 Hải quân bị lật xuống vực ở Đắk Pre, huyện Nam Giang khiến 5 quân nhân hi sinh. Trong số những chiến sĩ hi sinh khi làm nhiệm vụ, có anh Trương Văn Tú, phụ trách y tá ở xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu.



Anh Tú là con thứ 2 trong gia đình nghèo ở xã Diễn Trường. Bố làm nghề lao động tự do, mẹ sức khỏe yếu. Thời điểm con trai hi sinh, ông Trương Văn Chiến đang đi làm thuê ở Bắc Ninh. Nghe tin con bị nạn nhưng không thể về kịp để bắt xe vào Đà Nẵng, ông Chiến đành phải để em ruột Trương Xuân Hải và con trai Trương Văn Tuấn lúc này đang làm công nhân xây dựng ở Hà Tĩnh bắt xe vào Đà Nẵng làm lễ truy điệu và tiếp nhận thi thể con trai.
Ở quê nhà xã Diễn Trường, vợ chồng ông Chiến – bà Trần Thị Sơn khóc cạn nước mắt vì nỗi đau quá lớn. Năm 2013, sau khi tốt nghiệp THPT, Trương Văn Tú vừa đăng ký đi nghĩa vụ quân sự hải quân vừa ôn thi. Đợt đó, anh thi đậu ngành xây dựng và đồng thời trúng tuyển nghĩa vụ quân sự. Tuy nhiên, anh quyết định tạm gác lại ước mơ trở thành kỹ sư xây dựng, xếp bút nghiên lên đường làm nhiệm vụ thiêng liêng.
Là người hiền lành, thông minh, có chí tiến thủ nên sau đợt huấn luyện, chiến sĩ trẻ Trương Văn Tú được cử đi học y tá quân y rồi được phân về Đoàn 885, Lữ đoàn công binh E83 (quân chủng Hải quân) làm nhiệm vụ. Trong quá trình công tác ở lữ đoàn công binh, chiến sĩ Trương Văn Tú luôn nỗ lực phấn đấu học tập, rèn luyện, từng vinh dự được ra quần đảo Trường Sa công tác.
Tháng 8 vừa qua, anh Tú được nghỉ phép, trở về quê nhà, tâm sự cùng bố mẹ và anh trai những dự định và ước mơ. Ngoài mong muốn trở thành một kỹ sư xây dưng, chiến sĩ trẻ cũng hi vọng mình sẽ tiếp tục được cống hiến sức trẻ của mình cho tổ quốc, tiếp tục có mặt trên những công trường xây dựng các công trình chiến lược của quốc gia. Ngày 16/12, anh Tú và các cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn E83 đi làm nhiệm vụ xây dựng đường tuần tra biên giới giáp ranh giữa Việt Nam và nước bạn Lào thì bị lật xe khiến 5 chiến sĩ hi sinh, 4 người khác bị thương.

“Nghe tin con từng bước trưởng thành, được đồng đội, bạn bè yêu thương, tin tưởng, gia đình rất mừng. Chiều tối hôm trước, đang nghỉ ngơi sau giờ làm việc ở Bắc Ninh, tôi rụng rời chân tay khi nghe tin cháu hi sinh. Nỗi đau này quá lớn, làm sao mà vượt qua nổi”, ông Chiến tâm sự. Khi trở về quê xã Diễn Trường, ông Chiến cùng anh em thân hữu lo chuyện hậu sự cho con.

Vào chiều 17/12, Lễ truy điệu được đơn vị tổ chức tại Đà Nẵng. Trong không khí nghẹn ngào, đau thương và bi tráng, đồng đội, người thân của các chiến sĩ hi sinh lần lượt tiễn biệt những chiến sĩ lần cuối trước khi các anh được đưa về quê nhà với gia đình. Tại lễ truy điệu, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc- Chủ tịch Uỷ ban Giao thông Quốc Gia và Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng- Phùng Quang Thanh đã gửi vòng hoa kính viếng. Trước mắt, Bộ quốc phòng, Tư lệnh quân chủng hải quân và Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, mỗi đơn vị hỗ trợ gia đình chiến sỹ hi sinh 50 triệu đồng.
Dự kiến, đến trưa 18/12, thi thể của chiến sĩ Trương Văn Tú sẽ về đến quê nhà. Ngôi nhà nhỏ của gia đình anh Tú lúc nào cũng đông người đến động viên, thăm hỏi. Nghe tin con trai hi sinh, bà Trần Thị Sơn khóc không thành tiếng, ngồi gục trong góc giường. Một số người cầm bức khung ảnh gia đình, nhìn kỹ người đã khuất. Ai cũng xót thương cho chàng thanh niên có ánh mắt hiền, nụ cười dễ mến cùng những ước mơ đang còn dang dở…
Ông Lê Hồng Nghệ, Chủ tịch UBND xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu cho biết, ngay khi nghe thông tin chiến sĩ Tú hi sinh khi làm nhiệm vụ, từ sáng 17/12, các ban, ngành, đoàn thể của địa phương đã có mặt, động viên gia đình vượt qua nỗi đau và giúp đỡ gia đình một số công việc cần thiết. Ông Phạm Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu tâm sự rằng, sự hi sinh của anh Tú là một nỗi mất mát lớn của gia đình, địa phương. Ngày 18/12, khi thi thể của anh Tú về tới quê nhà, lãnh đạo huyện cùng các ban, ngành đoàn thể của huyện cũng sẽ có mặt để tiễn đưa anh trở về đất mẹ.

Hai bé trai tím tái, đói lả ngoài ruộng vì mất xe đạp

20:27 |
Hai anh em sinh đôi Trường và Quang được phát hiện khi nằm đói lả bên đường hai ngày đêm vì bị mất xe đạp không dám trở về nhà.
Bé Trường được chăm sóc tại Trạm CSGT Diễn Châu (Ảnh: Gia đình Online)

CSGT và người dân Diễn Châu (Nghệ An) vừa cứu giúp hai anh em sinh đôi Nguyễn Duy Trường và Nguyễn Duy Quang (cùng 12 tuổi, trú xóm 2, xã Trung Thành) nằm đói lả bên đường hai ngày đêm vì bị mất xe đạp không dám trở về nhà. 
 
Theo Pháp luật TP. HCM, sáng sớm 6/12, các chiến sĩ Trạm CSGT 5/1 (Phòng CSGT Công an tỉnh Nghệ An) phát hiện Trường đang nằm trong vỏ bao xi măng trên bờ ruộng gần Quốc lộ 1A (qua huyện Diễn Châu) trong tình trạng bị mưa phùn ướt, rét tím tái, đói lả, kiệt sức. 
 
Cậu bé ngay sau đó được đưa về trụ sở của Đội để chăm sóc. Các chiến sĩ cũng đã liên lạc với chính quyền địa phương đưa cháu Trường về nhà.
 
Cũng trong sáng 6/12, người dân phát hiện cháu Quang nằm bên Quốc lộ 48 (thuộc địa phận xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu) trong tình trạng đói, rét. Người dân đã cho cháu Quang ăn uống rồi chở cháu về bàn giao cho gia đình chăm sóc.
Bé Trường được người đại diện đưa về nhà (Ảnh: Gia đình Online)
Kể lại vụ việc, em Trường cho biết, mình cùng với em trai song sinh là Nguyễn Duy Quang bỏ nhà đi chơi từ ngày 1/12. Hai anh em đạp xe đến khu vực thị trấn Yên Thành chơi cùng bạn rồi xuôi theo đường xuống huyện Diễn Châu. Cách đây 2 ngày, hai cậu bé đã làm mất chiếc xe đạp của mình và sau đó thì lạc nhau.
 
Đến khi trời tối, do không có chỗ ngủ nên Trường đã nhặt một bao tải vứt bên đường rồi ra bờ ruộng, quấn quanh người, cuộn tròn lại để ngủ.
 
Cho đến khi được phát hiện, Trường đã nhịn đói và ngủ 2 ngày đêm liên tiếp ở đây trong điều kiện mưa phùn và trời rất lạnh. 
 
Trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Đức Lệ, Trưởng Công an xã Trung Thành, cho biết Trường và Quang là con của vợ chồng anh Nguyễn Duy Chiến và chị Hà Thị Thiệu ở xóm 2, xã Trung Thành, huyện Yên Thành. Vợ chồng anh Chiến hiện đang đi làm ăn xa và để hai con lại cho ông bà nội nuôi dưỡng. Trường và người em sinh đôi tên Quang đã bỏ nhà đi nhiều ngày nay và người nhà đang tổ chức tìm kiếm.
 
P.V (Tổng hợp)

Anh Chị em U50 Xóm 12,Diễn an,Diễn châu, nhảy nhạc sàn bốc lửa trong ngày đại đoàn kết toàn dân

08:59 |
Không chỉ có nam thanh nữ tú mê nhạc sàn mà những người cha người mẹ đã chớm tuổi 50 vẫn đung đưa, lắc lư theo tiếng trống xập xình phát ra từ bản nhạc sàn bốc lửa trong ngày đại đoàn kết toàn dân
tình đoàn kết của người dân quê tôi
Không ở đâu như ở miền quê nghèo này,từ người già đến người trẻ,máu văn nghệ đã ngấm sâu trong từng làn da thớ thịt của những người dân nơi đây,trong năm có bao nhiêu ngày lễ thì bấy nhiêu ngày ca hát nhảy múa,người nông dân chân lấm tay bùn là vậy,nhưng cứ hễ đến lúc nông nhàn thì nhà nhà người người tiếng ca không bao giờ dứt.
Năm nay ngày đại đoàn kết xóm 12 vui hơn thường lệ,mỗi nhóm đều chọn cho mình một nhà sang nhất để ăn uống và ca hát,đội văn nghệ thì đã tập luyện cả tháng nay,tuy không được chuyên nghiệp nhưng là cây nhà lá vườn nên ai ai cũng rất thích thú khi xem nhóm mình và những nhóm khác múa.Mà đoàn kết đâu chỉ có văn nghệ không đâu,thanh niên trai tráng hay nhưng người cha người mẹ đã ngoài 50 vẫn có thể lắc lư xập xình theo những bản nhạc sàn mà thường lệ thì chỉ những người trẻ mới mê.

BẢN DJ XÓM 12

"Xóm mình của ngày hôm qua" đã thay đổi rồi,cũng xóm 12 ấy,cũng những con người ấy nhưng "Xóm mình của ngày hôm nay" đã hiện đại hơn sống động trẻ trung hơn,nhưng cũng không mất đi nét văn minh của truyền thống.Tôi yêu lắm bục bục ơi

Xuân tuấn

Nghệ An: Ngày hội đoàn kết - ngày Chủ nhật xanh

07:55 |
Cứ vào dịp tháng 11, trong không khí se lạnh của những cơn gió đông tràn về, khắp những khu dân cư, thôn làng, xóm bản lại rục rịch chuẩn bị cho Ngày hội Đại đoàn kết. Điều đặc biệt của người dân vui hội đoàn kết năm nay ở Nghệ An, là làm sạch môi trường sống bằng cách hưởng ứng "Ngày Chủ nhật xanh”.
Kỷ niệm 84 năm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam năm nay, tỉnh Nghệ An có sự đổi mới đó là phát động phong trào "Ngày Chủ nhật xanh” được khắp nơi hưởng ứng. Ngày hội Đại đoàn kết luôn gắn liền với phong trào làm cho cuộc sống sạch hơn, tươi đẹp hơn. Mỗi khu dân cư, mỗi người dân là một "người làm vườn” làm cho nơi mình ở rợp bóng cây xanh. Bác Võ  Thành Long – khối 9, phường Lê Lợi (TP Vinh) chia sẻ: "Đây là một phong trào có ý nghĩa, để lại cho con cháu mai sau nguồn không khí, môi trường trong sạch. Hưởng ứng "Ngày Chủ nhật xanh” của MTTQ tỉnh, người dân rất đồng tình và tuyên truyền cho mọi người biết được ý nghĩa của phong trào này”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Vương Quang Minh – Phó chủ tịch MTTQ tỉnh Nghệ An cho biết: "Ngày Chủ nhật xanh là ý tưởng của MTTQ tỉnh Nghệ An, với mong muốn lấy ngày Đại đoàn kết là ngày trồng cây, làm sạch môi trường để từ đó nhân rộng tất cả những ngày trong năm, hãy đoàn kết từ những việc nhỏ nhất nhưng lại có giá trị rất lớn, khi người dân đã cùng đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa thì không có lý gì không đoàn kết để làm cho môi trường sạch sơn, cây xanh nhiều hơn và bảo vệ thành quả đó”.

Về với xóm 12 xã diễn an,huyện diễn châu từ mấy ngày nay, mọi người đã háo hức chuẩn bị cho ngày hội, sẽ là bữa cơm với nhau, xem những điệu nhạc, những vở kịch  luôn làm cho tôi có cảm giác ấm áp khác lạ. Anh Tuấn chia sẻ: "ngày hội đoàn kết toàn dân tộc là ngày hội vui nhất của dân quê mình,bà con đã chuẩn bị cả tháng nay để chuẩn bị cho ngày hội vui nhất trong năm,đặc biệt là nhóm 1,năm nào cũng có những vở kịch rất hay mang đến tiếng cười rất sảng khoái cho tôi và bà con,



một tiết mục múa của thành viên nhóm 4              ảnh:cẩm nhung
Chưa có nơi nào cảm nhận rõ nhất không khí ngày hội đoàn kết toàn dân như ở xóm 12 xã diễn an,các trò chơi dân gian như đánh bóng chuyền,trèo cây chuối hay kéo co là không thể thiếu trong mỗi dịp lễ hội hàng năm,trong làng từ người già trẻ con đều háo hức cho dịp lễ này.

Đôi bên sông Bùng - Một vùng văn hóa

18:10 |
Qua nửa đời phiêu dạt Con lại trở về úp mặt vào sông quê Ơi con sông dạt dào như lòng mẹ Che chở con qua chớp bể mưa nguồn… Có lẽ khi phổ nhạc bài thơ của nhà thơ Lê Huy Mậu, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo đã nói hộ tình cảm của rất nhiều người xứ Diễn (Nghệ An) sống xa quê. Nếu ai biết nhà thơ, nhạc sĩ tài hoa này đã từng sinh ra và lớn lên ở một làng quê, bên con sông Bùng xứ Diễn, hẳn đều đồng cảm và sẻ chia với ông qua tứ thơ này. Riêng với tôi, sống xa quê, hình ảnh con sông luôn làm tôi nhớ cả một thời thơ ấu, để rồi mỗi lần được gặp người quê hàn huyên, hay về quê, tôi lại quắt lòng bởi câu thơ đó. Sông Bùng bắt nguồn từ những dòng sông, suối nhỏ như sông Du, Vũ Giang, Khe Cát của huyện Yên Thành và hợp lưu nơi đất Diễn Châu, chảy qua các xã Diễn Quảng, Diễn Hoa, Diễn Kỷ, sau đó đổ ra biển Diễn Ngọc. Con sông Bùng cứ lặng lẽ trôi - chảy qua miền ký ức.

Đa phần người dân sống bằng nghề chài lưới bên Sông Bùng

 Hình ảnh của vùng quê xứ Diễn luôn lắng đọng trong tâm tưởng những người con xa quê. Diễn Châu là vùng đất địa linh nhân kiệt, đó là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, những địa danh gắn với các huyền thoại như Thành Diễn Châu - nơi chứng kiến trận đánh quan trọng của nghĩa quân Lam Sơn trong cuộc kháng chiến chống quân Minh, thế kỉ XV; Cầu Bùng - cây cầu nằm trên con đường huyết mạch Bắc - Nam, nơi được coi là túi bom trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; núi Mộ Dạ - nơi An Dương Vương được thần Kim Quy mở lối thoát về phía biển khi trốn chạy giặc Triệu. Ngày nay, ở phía Bắc chân núi Mộ Dạ, gần cửa Tư Hiền còn có mộ của công chúa Mỵ Châu. Diễn Châu cũng là nơi phát tích của những anh tài, khoa bảng. Ở Diễn Châu những dòng họ khoa bảng có nhiều, nhưng nổi tiếng nhất là họ Ngô và họ Đặng. Dòng hộ Ngô ở Lý Trai (xã Diễn Kỷ) liên tiếp 4 đời đỗ 5 tiến sĩ. Dòng họ Đặng ở Nho Lâm (xã Diễn Thọ) có 3 cha con đều đỗ đại khoa. Một số tên tuổi đại khoa người Diễn Châu mà cả nước đều biết đến như Ngô Trí Hòa, Ngô Trí Tri, Nguyễn Xuân Ôn…. Về Diễn Châu, dân gian vẫn còn truyền tụng câu đối Nôm nói về sự đỗ đạt của 2 dòng họ Ngô - Đặng: “Sáng khoai, trưa khoai, tối khoai, khoai ba bữa/ Ông đỗ, cha đỗ, con đỗ, đỗ cả nhà”. Nói đến Diễn Châu là nói đến một vùng đất phong cảnh hữu tình. Sách xưa đã từng liệt kê trong số 8 cảnh đẹp của “Đông Yên Nhị Châu” (vùng đất thuộc tổng Yên Thành xưa) thì có 6 cảnh đẹp thuộc về Diễn Châu, đó là: Dạ Sơn Linh Tích (dấu thiêng núi Mộ Dạ - thuộc xã Diễn An), Cao Xá Long (gò rồng Cao Xá), Bùng Giang Thu Nguyệt (tràng thu trên sông Bùng), Bích Hải Quy Phàm (cánh buồm về cửa Bích), Thiên Uy Thiết Cảng (kênh sắt oai trời), Diễn Thành Thạch Bảo (thành đá phủ Diễn Châu). Tao nhân mặc khách thuở nao đã luôn phải động lòng trước Bích Hải Quy Phàm (cửa Vạn ngày nay). Họ từng phải thốt lên: Phủ hám Bùng giang cổ độ đầu Nhất luân minh nguyệt cáp phùng thu Trùng trùng quế phách hàm giang trữ Trạm trạm kim hàn tẩm bích lưu. Có nghĩa rằng: Cúi đầu nhìn xuống bến đò cũ sông Bùng Một vầng trăng sáng quắc, ấy chính là buổi đang thu Phách cây quế trong suốt đến đáy cả bến nước Chiếc mâm vàng trong trẻo ngâm dưới dòng xanh... Đến Diễn Châu, không ghé thăm Cửa Vạn hẳn đó sẽ là một tiếc nuối. Đứng ở Cửa Vạn nhìn ra biển Đông với bao la bát ngát của trời, của biển, với nắng và sóng, bạn sẽ nhận ra hồn vía của cả một vùng văn hóa xứ Diễn. Văn hóa xứ Diễn vừa có nét đặc thù của văn hóa xứ Nghệ - miền Trung, vừa có sắc thái riêng khiến người ta phải ngạc nhiên. Giọng nói của người Diễn Châu âm điệu khác hẳn với giọng nói của các vùng miền khác ở xứ Nghệ. Dân Diễn Châu “Ăn to nói lớn”, “Bụng dạ thẳng tưng”, quý người và không để bụng. Họ cần cù, chất phác, chịu thương, chịu khó cho nên đi đâu cũng sống được. Tính cần cù, “thắt lưng buộc bụng”, cộng với sự ham học hỏi đã làm nên thành công của người Diễn Châu khi bước ra cuộc sống. Có lẽ uống nước sông Bùng, tắm phù sa của sông Bùng, cư dân ở đây trong cách ăn, cách nói, nếp nghĩ, nếp làm đều mang “cái gu” khó trộn lẫn. Không rộng dài, kỳ vĩ như sông Hồng, sông Mã, cũng không thơ mộng như sông Hương... sông Bùng cứ lặng lẽ chảy giữa đôi bờ xứ Diễn và tạo dựng nên một vùng miền văn hóa rất đặc trưng - vùng văn hóa mang khí thiêng của “lèn Hai Vai - sông Bùng”, trong cái mạch nguồn văn hóa “Sông Lam - Núi Hồng” xứ Nghệ. Với lợi thế của một vùng đất mà một bên là dải đồng bằng trù phú, màu mỡ, một bên là biển Đông, cùng với điều kiện tự nhiên ưu ái cho người Diễn Châu, vùng đất được coi như một tiểu vùng không bị ảnh hưởng nhiều của gió Lào (do có núi Mộ Dạ nằm ở phía Nam nên gió Lào về tới đây bị chặn lại), khiến cho khí hậu Diễn Châu “mát mẻ” hơn so với các vùng miền Trung bộ khác. Tất cả những điều đó làm cho Diễn Châu được coi là vùng đất “đủ đầy” hơn so với nhiều khu vực khác ở xứ Nghệ. Hiếm có một dải đất nhỏ hẹp nào lại tập trung nhiều nghề truyền thống như ở Diễn Châu. Đất Diễn Châu với nhiều nghề truyền thống như: luyện thép ở Nho Lâm (Diễn Thọ), dệt vải ở Phượng Lịch (Diễn Hoa), nghề mộc ở Tràng Thân (Diễn Phúc), nước mắm Vạn Phần (Diễn Vạn), nón lá Diễn Đồng, đẽo sò ở Diễn Thành… Cùng với việc duy trì những làng nghề truyền thống, giờ đây Diễn Châu xuất hiện nhiều làng nghề mới theo chuyển dịch cơ cấu kinh tế như chuyên canh cây lương thực Diễn Kỷ; dâu tằm tơ Diễn Kim; bún bánh Diễn Quảng; chế biến hải sản Diễn Bích, Diễn Ngọc; chổi đót Diễn Đoài; đúc đồng, nhôm Diễn Tháp… Ngày nay, cùng với các vùng miền khác của cả nước, kinh tế của huyện Diễn Châu ngày càng phát triển. Trong dòng chảy của thời kỳ hội nhập, nhưng những bản sắc văn hóa của người dân đôi bờ sông Bùng vẫn không bị nhạt phai. Người Diễn Châu đã, đang và sẽ tạo ra nhiều huyền thoại. Khí thiêng của lèn Hai Vai - sông Bùng luôn tạo ra những con người như thế. Bất chợt tôi lại… Gửi hồn neo đậu bến quê Bao nhiêu xa ngái dồn về một nơi Sông quê bên lở bên bồi Để tôi mang nợ cả đời với quê.

chèo thuyền trên sông bùng

Mật phục bắt 21 xe siêu trọng chở gỗ từ Lào về

04:13 |
Thanh tra Sở GTVT Nghệ An phối hợp lực lượng CSGT đã phối hợp mật phục, đón lõng và bắt giữ 21 chiếc xe chở gỗ quá tải trọng lưu thông trên QL7.
Ngày 14/11, tin từ thanh tra Sở GTVT Nghệ An cho biết, lực lượng chức năng đã hoàn tất việc cân tải trọng đoàn xe chở gỗ Lào vừa bị bắt giữ. Cả 21 chiếc xe đều vượt quá tải trọng từ 60 - 80% trọng tải cho phép.
Lực lượng chức năng cân tải trọng đoàn 21 chiếc xe chở gỗ từ Lào về Việt Nam. Mỗi xe chở xấp xỉ 50 tấn, mỗi xe vượt 60-80% tải trọng cho phép
Ông Nguyễn Hồng Kỳ, Giám đốc Sở GTVT Nghệ An cho biết, ngày 12/11, thanh tra Sở phát hiện đoàn xe tải vừa qua cửa khẩu Nậm Cắn (huyện Kỳ Sơn) lưu thông trên QL7 với những biểu hiện quá tải trọng.
Lực lượng thanh tra Sở GTVT đã phối hợp cùng Đội CSGT 1-7 lên phương án đón lõng, bắt giữ đoàn xe. Tuy nhiên, sau khi vào sâu trong địa phận Nghệ An, các tài xế đã tách thành từng tốp nhỏ rồi cố tình rẽ vào các đường ngang để né tránh lực lượng làm nhiệm vụ.
Đoàn xe vi phạm đang bị tạm giữ tại Đô Lương chờ xử lý, hạ tải.
Chiếc xe chở gỗ mang biển số Nghệ An bị lực lượng liên ngành tại Trạm cân lưu động số 15 (Diễn Châu) tạm giữ tối 13/11 do chở vượt quá tải trọng cho phép hơn 10%
Đến sáng 13/11, sau hàng tiếng đồng hồ mật phục, theo dõi, lực lượng chức năng đã bắt gọn đoàn xe 21 chiếc tại địa bàn huyện Anh Sơn, sau đó áp tải về huyện Đô Lương chờ cân tải trọng.
Kết quả cân tải trọng cho thấy tất cả 21 chiếc xe chở gỗ đều vượt quá trọng tải cho phép từ 60 – 80% (mỗi xe chở tới gần 50 tấn).
Được biết đoàn xe đều thuộc một doanh nghiệp kinh doanh gỗ ở Nghệ An, 20/21 chiếc xe gắn biển số Lào.
Hiện cơ quan chức năng đang tạm giữ đoàn xe chờ hạ tải và xử lý theo pháp luật.
Thời gian qua, sau khi lực lượng liên ngành ở Nghệ An vào cuộc khá ‘rát’, tình trạng xe chở quá tải ở địa phương này đã giảm hẳn. Gần như 100% phương tiện ‘Hổ vồ’ đã chủ động cắt gọt thùng về nguyên tạng và ký cam kết không chở quá tải.
Tối 13/11, theo quan sát của VietNamNet tại trạm cân lưu động 15 ở Diễn An (Diễn Châu), lực lượng chức năng tiếp tục kiểm tra tải trọng nhiều xe lưu thông trên QL1A, phần lớn các xe đều đảm bảo trọng tải cho phép.
Ông Hà Tiến Sơn, Trạm phó trạm cân lưu động tại Diễn An cho biết, tình trạng xe chở quá tải ở Nghệ An đã được kiểm soát. Trong 1 ngày (từ 16h 12/11 – 16h 13/11), trạm cân kiểm tra 46 trường hợp, chỉ có 11 xe quá tải, trong đó có 4 chiếc chở quá tải trọng trên 50%.
Cao Thái

Nhớ lắm diễn châu ơi!

05:01 |
"Diễn châu" hai tiêng thiêng liêng và tự hào làm sao,tôi xa quê đã sáu năm nay,nhưng hình ảnh quê nhà không thể nào phai mờ được trong tâm trí tôi được.con đường,dòng sông,mái đình,hay chỉ là những trò chơi thủa bé đều mang lại cho tôi những kí ức không thể nào quên.

Đi xa ai cũng bảo tôi là dân "cá gỗ" tôi vui vì điều đó,quê tôi nghèo nên cá làm gì có mà ăn,không phải vì dân tôi không biết làm ra cá ra gạo mà ăn,mà là vi thiên nhiên không ưu đãi cho dân diễn châu tôi những điều đó,ở cái nơi mà bọn tôi thường hay nói với nhau là"chó ăn đá,gà ăn sỏi"thì con "cá gỗ" là minh chứng cho sự vất vả mà chúng tôi phải nếm trải ở miền quê nghèo đầy nắng gió này.Dân quê tôi hiếu học lắm,cũng vì cái nghèo nên ai cũng xem việc học để thay đổi bản thân,và làm giàu cho quê hương,có biết bao người thành công đã đi ra từ mảnh đất khô cằn này,giờ quê hương đã đổi mới nhiều,nhà cao,đường đẹp,mà sao trong tim mỗi người con diễn châu chúng tôi vẫn không thể nào quên đi hình ảnh khó khăn,lam lũ của một diễn châu ngày xa xưa.

Thương cảnh bà cháu quấn 3 khăn tang ôm nhau khóc sau tai nạn thảm khốc

00:04 |
Ba bàn thờ nằm cạnh nhau, khói hương nghi ngút. Bố mẹ và anh trai chết thảm dưới gầm xe, đứa trẻ 8 tháng tuổi khóc ré lên vì thèm sữa mẹ. Khung cảnh buồn ấy xảy ra tại xóm 4, xã Diễn Thành, Diễn Châu, Nghệ An.

-Giải cứu thiếu nữ 13 tuổi bị đưa sang Lào làm “gái”

Cháu Yến Nhi khóc lả đi vì thèm sữa mẹ
Chiều Chủ nhật buồn ngày 19/10, cả gia đình anh Cao Bá Tráng (32 tuổi) đi về ngoại chơi, riêng cháu Yến Nhi 8 tháng tuổi đang ốm nên ở nhà cho bà nội trông nom. Khi xe máy chạy đến đoạn xã Diễn Ngọc thì bất ngờ gặp nạn. 
 
Chiếc xe tải BKS 37C – 124.89 chạy cùng chiều thì bất ngờ lao thẳng vào đuôi xe máy. Cú đâm mạnh khiến anh Tráng và con trai Cao Bá Hiếu (3 tuổi) văng xuống đường bị xe tải cán ngang qua người, tử vong tại chỗ. Người vợ Cao Thị Mận (35 tuổi) chấn thương nặng, cũng tắt thở trước khi đến bệnh viện. 
 
Trước khi trút hơi thở cuối cùng, anh Mẫn vẫn kịp lấy điện thoại trong túi vứt ra lề đường nhờ người dân gọi điện báo tin cho gia đình biết. Anh chỉ kịp liếc nhìn vợ con trong đau đớn rồi gục xuống. Theo một số nhân chứng, tai nạn xảy ra khi tài xế nghe điện thoại.
Hiện trường vụ tai nạn thảm khốc 
Buổi chiều đưa ba thi thể về nơi an nghỉ, ba ngôi mộ được chôn cất sát nhau, mộ con đặt giữa. Trong đám tang, hình ảnh đứa bé chưa cai sữa trên đầu quấn đến 3 chiếc khăn tang cứ ám ảnh mọi người. Từ ấy, cứ buổi sáng sớm và chiều tàn, người địa phương lại người bà ốm yếu chưa đầy 30kg ôm đứa cháu 8 tháng tuổi ra khóc òa bên 3 ngôi mộ.  
 
Bà Đậu Thị Quy (63 tuổi) kể: “Như thường lệ mỗi lần đi đâu cháu Hiếu hay ôm hôn lên má tôi. Sáng hôm ấy cũng vậy, nhưng cái ôm hôn ấy rất lạ, nó làm cho tôi có một cảm giác bất an, tôi bỗng rơi nước mắt. Chưa bao giờ Hiếu hôn em mà hôm ấy nó vừa hôn vừa dặn dò trìu mến: “Em ở nhà chơi với bà nhé”. 
 
Anh Tráng, chị Mận đến với nhau qua sự giới thiệu của bạn bè. Hàng ngày anh đi làm phụ hồ, chị làm ruộng. Cuộc sống tuy túng thiếu đủ đường nhưng chưa bao giờ họ cãi vã nhau một lời. Căn nhà anh chị đang ở chia làm hai phòng. Một phòng cho gia đình anh trai cả và một phòng cho gia đình anh Tráng. Hai gia đình ở chung trong một nhà nhưng sống rất hòa thuận. 
 
Chị dâu Phạm Thị Lan thẫn thờ: “Hai em và cháu bỏ chúng tôi mà đi đột ngột quá”. Sau khi xong tang lễ, người nhà vào sửa soạn đồ đạc trong phòng anh chị, tìm thấy túi tiền có 1 triệu lẻ 1 nghìn đồng được gói gém cẩn thận trong tủ đồ. Số tiền ấy anh chị dành dụm được suốt cả năm quần quật lao động. 
 
Trong căn nhà nhỏ, ba di ảnh mờ ảo giữa khói nhang. Bà Quy bế cháu Nhi vật vờ nơi góc tường: “Mới cách đây mấy ngày, Tráng nó bảo phải cố làm mua cho con được hộp sữa ngoại. Thấy con họ được uống sữa này sữa khác, nhìn con mình chỉ có sữa đặc mà thương…”.
 
Anh Tráng là con thứ 3 trong gia đình có 4 anh chị em. Bố mất sớm, một mình mẹ khổ cực nuôi con. Bà Quy buồn rầu: “Hôm đó, cháu Nhi còn sốt nên hai đứa nó để ở nhà cho tui trông. May mà nó ở nhà với tui, không có là chịu chung số phận với bố mẹ. Mấy hôm nay, tui phải bế cháu gõ cửa từng nhà có người mới sinh để xin sữa nhưng chẳng thấm vào đâu. Cháu không chịu uống sữa ngoài, đêm đến lại khóc thét vì đói”.
 
Trước di ảnh của con cháu, ông ngoại Cao Xuân Quê (SN 1961) lặng lẽ lau những giọt nước mắt chảy dài trên hai gò má. Ông nghẹn ngào: “Thương chúng nó quá. Hai đứa về nhà tui đi ăn giỗ rồi mới không may bị tai nạn”. Ông kể thêm, từ ngày nghe tin dữ, vợ công ngất lên ngất xuống, chưa khỏe lại để xuống thắp hương cho con cháu.
Ngày đưa tang ba nạn nhân xấu số, gia đình lái xe gây ra tai nạn không có mặt để lo hậu sự. Sau một ngày, bố của lái xe mới đến thắp hương và đưa cho gia đình 30 triệu đồng, không đủ tiền chi phí đám tang 3 người.
 
Mọi sự giúp đỡ của bạn đọc cho nhân vật trong bài viết, vui lòng gửi về địa chỉ: Bà Đậu Thị Quy, xóm 4, xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. 
Tác giả bài viết: Trần Tâm
Nguồn tin: Báo Pháp Luật Việt Nam